Tin tức - Sự kiện

Kỉ niệm 62 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2016)- Niếm tự hào mãi mãi với thời gian

I. Mở đầu

Trải qua mấy nghìn năm chống giặc ngoại xâm, nghệ thuật quân sự của tổ tiên đã hình thành và không ngừng phát triển, trở thành những bài học quí giá cho các thế hệ sau. Những kinh nghiệm đó là cơ sở để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kế thừa, vận dụng và phát triển trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Điện Biên Phủ là mốc sử vàng trong lịch sử kháng chiến chống Pháp cũng như trong lịch sử Cách mạng hào hùng của dân tộc ta. Điện Biên Phủ không những là bản anh hùng ca về sự chiến đấu hi sinh anh dũng của quân và dân ta mà còn là bản anh hùng ca về nghệ thuật quân sự tài tình và sáng suốt của Đảng.

Tuy phải đối mặt với một kẻ thù có thể coi là hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ nhưng Đảng cũng không hề nao núng, dao động mà luôn giữ vững lập trường cuả mình, kiên định với con đường đã chọn; kịp thời đưa ra những phương châm chỉ đạo chiến lược điều khiển con tàu Cách mạng nước ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Có thể nói, trong những yếu tố làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động toàn cầu không thể thiếu đi sự chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt, linh hoạt, kịp thời của Đảng. Đảng đã kết hợp một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta; đường lối Cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản với phương châm chiến lược “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt…” và phương châm “đánh chắc, tiến chắc” theo tinh thần “thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Sáu mươi hai năm đã trôi qua, nhưng dư âm của trận đánh Điện Biên Phủ năm nào vẫn còn vang mãi đến tận ngày nay và những bài học được rút ra từ sự lãnh đạo của Đảng không những có giá trị trong thời đại Hồ Chí Minh mà còn có giá trị trong thời đại của chúng ta. Để giữ vững được độc lập, chủ quyền; để xây dựng được một lực lượng an ninh quốc phòng vững mạnh trong thời đại mới, để trau dồi thêm vốn hiểu biết và củng cố vững chắc lập trường chính trị; tiếp tục phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, học tập kinh nghiệm lãnh đạo cũng như đường lối Cách mạng của Đảng lúc bấy giờ là một việc làm hết sức cần thiết và quan trọng.

Điện Biên Phủ là một chiến dịch chiến lược mà tầm vóc tác động của nó đến cục diện hai bên đã không một chiến dịch nào đạt tới trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Đánh giá tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay: “chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

Có thể nói chiến dịch Điện Biên Phủ đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

II. Tổng quan về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

2.1. Hoàn cảnh lịch sử

Đến cuối năm 1953, Chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 8 năm, thực dân Pháp lâm vào thế bị động trên chiến trường, quân đội ta đã giải phóng nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, khu 5, các tỉnh Cao Bắc Lạng... và nhiều khu vực ở đồng bằng Bắc bộ. Nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh Đông Dương. Chính phủ Pháp muốn tìm một giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được để chấm dứt cuộc chiến nhưng mặt khác họ muốn duy trì quyền lợi tại Đông Dương. Cuộc chiến sang năm thứ chín đã chứng tỏ Pháp chỉ còn cách duy nhất là tìm một "lối thoát danh dự", nếu không muốn dâng Đông Dương cho Mỹ.

Thời gian này ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình không cần sự chấp thuận của tổng chỉ huy. Ta nhận định việc Mỹ trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Đông Dương chỉ còn là vấn đề thời gian 1-2 năm. Ta cũng dự đoán, nếu tình hình Triều Tiên tạm ổn định, Mỹ sẽ dồn những nỗ lực chống cộng vào Đông Dương.

Ngày 24 tháng 7 năm 1953, thủ tướng chính phủ Quốc gia Việt NamNguyễn Văn Tâm được Tổng thống Dwight D. Eisenhower mời sang Hoa Kỳ. Pháp đề nghị Mỹ viện trợ 650 triệu đô la cho niên khóa 1953, và được chấp nhận 385 triệu. Mỹ hứa năm 1954 sẽ tăng viện trợ cho Pháp tại Đông Dương lên gấp đôi. Mỹ cũng chuyển giao cho Pháp nhiều trang bị, vũ khí, trong đó có 123 máy bay và 212 tàu chiến các loại.

Pháp bổ nhiệm tổng chỉ huy Henri Navarre sang Đông Dương tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh. Kế hoạch của bộ chỉ huy Pháp tại Đông Dương gồm hai bước:

Bước thứ nhất: Thu đông 1953 và xuân 1954 giữ thế phòng ngự ở miền Bắc, tập trung một lực lượng cơ động lớn ở đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với cuộc tiến công của ta; thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng Quân đội Quốc gia Việt Nam và xây dựng một đội quân cơ động lớn đủ sức đánh bại các đại đoàn chủ lực ta.

Bước thứ hai: Từ Thu Đông năm 1954, sau khi đã hoàn thành những mục tiêu trên, sẽ dồn toàn lực ra Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính giành thắng lợi lớn về quân sự, buộc ta phải chấp nhận điều đình theo những điều kiện của Pháp.

Để thực hiện kế hoạch này thực dân Pháp cho tiến hành xây dựng và tập trung lực lượng cơ động lớn, mở rộng quân đội bản địa-Quân đội Quốc gia Việt Nam, càn quét bình định vùng kiểm soát. Thực hành tấn công chiến lược ở vùng Khu V., Navarre được nhà nước Pháp cấp thêm cho 9 tiểu đoàn tinh nhuệ. Điều quan trọng hơn, kế hoạch Nava được Mỹ tán thành. Viện trợ Mỹ tăng vọt, chiếm đại đa số chi phí chiến tranh của Pháp.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được ra đời án ngữ miền tây bắc Bắc Việt Nam, kiểm soát liên thông với Thượng Lào để làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công và theo kế hoạch của Pháp, quân Việt Minh sẽ bị nghiền nát tại đó.

Về phía ta, kể từ sau năm 1950 do nối thông biên giới với Trung Quốc, lại được sự viện trợ quân sự to lớn của Trung QuốcLiên Xô, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh rất nhiều, với các sư đoàn (đại đoàn) bộ binh và các trung đoàn pháo binh, công binh đã có kinh nghiệm đánh tiêu diệt cấp tiểu đoàn của quân Pháp trong phòng ngự kiên cố.

Bộ chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam nhìn nhận trận Điện Biên Phủ như cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng vang dội để từ đó chấm dứt kháng chiến trường kỳ, và đã chấp nhận thách thức của quân Pháp để tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là trận quyết chiến chiến lược của ta. Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương."

2.2. Diễn biến chính của chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch diễn ra trong 55 ngày đêm nhưng các trận đánh không diễn ra liên tục, vì Quân đội ta có khó khăn trong hậu cần nên không thể tiến công liên tục mà chia thành các đợt tiến công. Sau mỗi đợt lại tổ chức lại quân số, bổ sung hậu cần.

Sau khi hoàn thành các công tác chuẩn bị, ngày 13/3, ta nổ súng tiến công tuyến phòng ngự vòng ngoài, bao gồm các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Ngày 13/3, các Trung đoàn 141 và 209 (Đại đoàn 312) đã tiêu diệt các cụm cứ điểm Him Lam; ngày 14/3, các Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) và 165 (Đại đoàn 312) đã tiêu diệt cụm cứ điểm Độc Lập; ngày 17/3, kết hợp tiến công với lực lượng địch phản chiến, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) làm chủ cứ điểm bản Kéo. Sau 5 ngày, ta đập tan tuyến phòng ngự vòng ngoài, mở thông cửa vào khu phòng ngự trung tâm, diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch.

Từ ngày 30/3, ta mở đợt tiến công lần thứ hai, nhằm vào các cao điểm phía Đông Mường Thanh (phân khu trung tâm). Các đại đoàn của ta đã nhanh chóng chiếm được một số cứ điểm, nhưng những trận chiến đấu quyết liệt giành giật giữa đôi bên đã diễn ra tại khu vực tác chiến của Đại đoàn 316 trên các điểm cao A1, C1. Suốt trong tháng 4, ta và địch đã giành đi giật lại từng khu vực trên các điểm cao có ý nghĩa chiến thuật quan trọng khống chế phân khu trung tâm. Giữa tháng 4, ta tiến chiếm sân bay Mường Thanh, cắt đứt cầu hàng không là đường tiếp tế quan trọng nhất của địch. Chúng lâm vào thế nguy khốn, bị tiến công trong tình trạng hậu cần ngày càng trở nên khó khăn.

Từ l/5, có ba hướng: Đông, Tây, Đông Bắc, các đại đoàn của ta mở cuộc tiến công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Ngày l/5, Đại đoàn 316 chiếm đồi C1; sáng 7/5, ta diệt các cứ điểm C2, A1, 507, là những cứ điểm kiên cố cuối cùng của địch. Chiều 7/5, ta tổng công kích trên toàn bộ mặt trận và đến chiều, ta đã hoàn toàn giải phóng Điện Biên Phủ, cầm giữ tại chỗ hơn 10 nghìn tên địch cùng với tướng chỉ huy De Castries của chúng.

Lược đồ diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ

2.3 Kết quả, ý nghĩa của chiến dịch Điện Biên Phủ

Toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Thiệt hại về phía Pháp là 1.747 người chết, 5.240 người bị thương, 1.729 người mất tích và 11.721 bị bắt làm tù binh. Ngoài ra còn có 2 phi công Mỹ chết và 1 bị thương.

Về không quân, Pháp bị tổn thất 56 phi cơ bị phá hủy (36 chiếc đang bay, 20 trên phi đạo), 186 phi cơ bị hư hại, 2 trực thăng bị phá hủy. Phía Mỹ có 1 phi cơ C119 bị bắn rơi. Về trang bị nặng, Pháp mất toàn bộ xe tăng và pháo binh ở Điện Biên Phủ (1 phần bị Việt Nam thu giữ)

Thiệt hại về phía Quân đội ta là 4.020 người chết, 10.130 người bị thương, và 792 mất tích. Hiện nay tại ĐBP, có 3 nghĩa trang liệt sỹ trận này là nghĩa trang phía gần đồi Độc Lập, nghĩa trang gần đồi Him Lam và nghĩa trang gần đồi A1, lần lượt các nghĩa trang trên có 2.432 ngôi, 896 ngôi và 648 ngôi mộ, tổng cộng là 3.976 ngôi.

Đài tưởng niệm chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày hôm sau, 8 tháng 5 năm 1954, Hồ Chủ tịch gửi thư khen: "Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào đia phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn... "

Sau đó, Hồ Chủ tịch đến gặp và chúc mừng Bộ tổng tham mưu và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại đây bằng kinh nghiệm chính trị, Hồ Chủ tịch đã nói một câu chúc mừng kèm dự đoán chính xác: "Chúc mừng chú (Võ Nguyên Giáp) thắng trận. Nhưng đừng chủ quan, còn phải đánh với Mỹ nữa. Sớm muộn gì chúng cũng sẽ nhảy vào Đông Dương thế chỗ Pháp"

Một ngày sau khi Pháp để Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8 tháng 5 năm 1954, Hội nghị Genève bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Trên phương diện quốc tế, trận này có một ý nghĩa rất lớn: lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự một quân đội của một cường quốc châu Âu. Trận Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp và buộc nước này rút ra khỏi Đông Dương, các khu vực thuộc địa ở Châu Phi được cổ vũ cũng đồng loạt nổi dậy. Đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả quyền độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp.

Điện Biên Phủ là một bài ca chiến thắng của quân và dân ta, của tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt- Lào, sự giúp đỡ đầy tinh thần trách nhiệm của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, và sự chi viện đầy tình nghĩa của những người anh em XHCN, Liên xô, Trung Quốc. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc trong niềm vui sướng hân hoan của Việt Nam nói riêng, của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung và trong nỗi ngậm ngùi của người Pháp và người Mỹ.

Chiến thắng vĩ đại “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”, và đó thực sự là một nghịch lý đau xót của Pháp và Mỹ ở Đông Dương. Chiến thắng đó là kết quả tổng hợp sự kế thừa truyền thống quân sự của cha ông ta trong lịch sử; tinh thần đoàn kết của quân dân Việt Nam, của nhân dân ba nước Đông Dương và vượt lên trên hết thảy, đó là một Hồ Chí Minh nhạy bén và chính xác trong từng quyết định. Người đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo nhân dân ta từ hậu phương đến tiền tuyến đồng tâm, đồng lòng, đồng sức trường kỳ kháng chiến, toàn dân, toàn diện kháng chiến; từng bước đưa thế trận chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam lên một đỉnh cao mới và đi đến kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh Đông Dương.

Một trong những thành công của Bộ chỉ huy tối cao (lãnh tụ Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị) và Bộ Tư lệnh mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, góp phần làm nên thắng lợi vang dội này, chính là việc “đánh địch bằng mưu, đánh địch bằng thế”, “nhỏ đánh lớn phải dĩ nhu xử cương”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu đánh mạnh”, v.v.. trên một đất nước Việt Nam nhỏ bé (chiến trường hẹp), có truyền thống yêu nước, có bề dày lịch sử chống ngoại xâm. Không chỉ có vậy, truyền thống đoàn kết, vượt mọi khó khăn, tinh thần và ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do cùng những bài học kinh nghiệm trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã được vận dụng một cách linh hoạt, uyển chuyển; và lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “biết sức ta, biết sức địch thì trăm trận đều thắng” đã được thực hiện thành công trong từng thời điểm và trong cả tiến trình lịch sử.

THPT Nguyễn Hữu Cảnh
Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, 16/05/2016 - 09:39:12


TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN HỮU CẢNH
Địa chỉ: Khu phố 1 - Long Bình Tân, Biên Hòa - Đồng Nai 81000
Điện thoại: (0251) 3.834.466
    213,747
    156
© 2015 Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh.
Thiết kế & phát triển bởi Trung tâm Thông tin Tư liệu Trường Đại học Lạc Hồng .