Tin tức - Sự kiện

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 60 NĂM CUỘC NỔI DẬY PHÁ KHÁM NHÀ LAO TÂN HIỆP (02/12/1956 - 02/12/2016)

I. VÀI NÉT VỀ NHÀ LAO TÂN HIỆP

Nhà lao Tân Hiệp còn có tên gọi là “Trung tâm cải huấn” Biên Hòa, là 1 trong 6 nhà tù lớn nhất miền Nam và là nhà tù lớn nhất Đông Nam Bộ, nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khu di tích này hiện tọa lạc trên đường Nguyễn Ái Quốc, thuộc phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong suốt thời gian từ năm 1954 đến 30/4/1975, nhà lao Tân Hiệp đã giam giữ hơn 5 vạn lượt những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước.

Tiền thân của Nhà lao Tân Hiệp là Trại tù binh chiến tranh do thực dân Pháp xây dựng nhằm đàn áp phong trào cách mạng. Đến giữa năm 1955, trại tù binh chiến tranh Tân Hiệp được Mỹ - Ngụy cải tạo mở rộng thành một trong những nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam. Nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa) được xây dựng trên khu đất diện tích 3.600 mét vuông, tiếp giáp những căn cứ quân sự, cơ quan chỉ huy đầu não của địch như: Bộ Tư lệnh quân đoàn III, sân bay chiến lược Biên Hòa, Nha Cảnh sát đặc biệt miền Đông,… nhà tù có 07 trại giam gọi tên chữ cái A, B, C, D, E, G và trại giam phụ nữ. Trong đó, có các trại E, D, G và trại ngoại là nơi giam các chiến sĩ cách mạng đảng viên và đồng bào yêu nước nên bị bọn chúng quản lý và đối xử hà khắc hơn các trại khác. Nhà tù được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai, cổng bằng gỗ dày (ngang 4 mét, cao 2 mét), xung quang có 09 tháp canh. Lực lượng bảo vệ ở đây gồm 01 đại đội bảo an gồm có 88 tên.

Đến trước ngày 02/12/1956, Nhà lao Tân Hiệp có 1.872 người bị giam giữ. Phần lớn trong số này là những người yêu nước và các chiến sĩ cộng sản bị bọn chúng bắt qua các trận càn quét lớn nhỏ từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ, đưa về đây để chúng tra tấn, điều tra, phân loại trước khi đưa qua các nhà tù khác ở đất liền hoặc bị đày ra Côn Đảo, Phú Quốc,… nhiều tù nhân là những trí thức yêu nước nổi tiếng như: Kỹ sư Lê Văn Thả, nhà văn - nhà báo Dương Tử Giang, Trần Ngọc Sơn, Lý Văn Sâm, Nguyễn Văn Mại, Phạm Thị Lạng,…

Để làm lung lay ý chí của những người yêu nước, hàng ngày bọn địch buộc các tù nhân phải làm lễ chào cờ vàng, ba sọc đỏ (vào buổi sáng) và lễ hạ cờ (vào buổi chiều). Bọn địch còn tổ chức các lớp “tố cộng” tuyên truyền nói xấu cộng sản, ca ngợi “chính nghĩa quốc gia” của chính quyền bù nhìn miền Nam Việt Nam. Chúng còn đánh đập, tra tấn các chiến sĩ ta nhằm khai thác những cơ sở bí mật của Đảng. Trước những cực hình tra tấn và đánh đập dã man để khai thác các chứng cứ nhằm truy lùng, bắt bớ tất cả số cán bộ và cơ sở cách mạng còn lại, nhiều đồng chí ta đã chết đi sống lại, thậm chí có người bị mang thương tật suốt đời nhưng vẫn một lòng vì Đảng, vì dân không hề khai báo với chúng điều gì làm phương hại đến phong trào cách mạng. Bên cạnh những hành động vô nhân đạo, mất tính người của chúng nhất là lúc tra tấn, đày đọa các tù nhân phụ nữ, chúng còn dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, hứa hẹn nhiều điều rất có lợi nếu chịu khai báo cam tâm làm tay say cho chúng sẽ được đối xử tử tế, được thân nhân vào thăm nuôi thường xuyên và sẽ được trả “tự do” sớm nhất. Thế nhưng, mọi thủ đoạn lừa mị của bọn chúng đều thất bại trước ý chí “Sống vĩ đại, chết vinh quang” của các chiến sĩ cách mạng ta trong Nhà lao Tân Hiệp.

II. PHÁ KHÁM TÂN HIỆP 02/12/1956

1. Quá trình chuẩn bị

Mặc dù bị giam cầm, tra tấn khủng khiếp, các chiến sĩ cách mạng của ta bị địch bắt tù đày vẫn không để kẻ thù khuất phục, ý chí chiến đấu kiên cường của những chiến sĩ cách mạng không hề bị lung lay, trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, những người tù cộng sản vẫn kiên cường, gan dạ, một lòng vì mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc. Những người chiến sĩ cách mạng ấy đã biến nhà tù thành nơi nung đúc ý chí.

Phần lớn những người bị địch bắt giam trong Nhà lao Tân Hiệp là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là cán bộ tham gia kháng chiến, từ nhiều trại giam của Mỹ Ngụy ở khắp miền Nam được chúng chuyển đến đây để phân loại và bị đày đi nơi khác. Dù các đồng chí quen biết nhau qua đồng hương, cùng đơn vị cũ,… nhưng cũng không thể nào tập hợp với quy mô lớn được. Vì muốn tập hợp để đấu tranh phải có một tổ chức lãnh đạo thống nhất. Đó là phải tổ chức Đảng trong Nhà lao Tân Hiệp.

Vì vậy, tháng 02/1956, chi bộ Nhà lao Tân Hiệp được lập lại để lãnh đạo phong trào đấu tranh trong Trung tâm cải huấn. Đến tháng 7/1956, Đảng ủy nhà lao được chính thức thành lập gồm 07 đồng chí do đồng chí Nguyễn Trọng Tâm (tức đồng chí Nguyễn Duy Đán) làm Bí thư.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, hệ thống tổ chức đảng ở Nhà lao Tân Hiệp đã hình thành từ các tổ đảng và chi bộ ở các trại. Có sự lãnh đạo của tổ chức đảng, mọi cuộc sinh hoạt và đấu tranh trong nhà lao đều được tổ chức chặt chẽ và có sự phối hợp nhịp nhàng. Tổ chức đảng tại Nhà lao Tân Hiệp còn là một khối đoàn kết thống nhất, tạo thêm lòng tin và sức mạnh cho số đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch bắt giam giữ nơi đây, vững vàng khi đấu tranh với bọn cai ngục vô cùng hung ác, để bảo vệ khí tiết cách mạng chống lại chế độ lao tù khắc nghiệt của chúng. Mọi âm mưu, thủ đoạn của địch trong nhà lao đều bị các đồng chí ta phát hiện và làm thất bại.

Với tâm niệm “Sống vĩ đại, chết vinh quang”, Đảng ủy Nhà lao Tân Hiệp đã chuẩn bị cho cuộc vượt ngục. Sau một thời gian điều nghiên kỹ và chuẩn bị về mọi mặt, tổ chức đảng trong nhà lao bằng đường liên lạc bí mật xin chỉ thị của Liên tỉnh ủy miền Đông, Ban Binh vận Xứ ủy cho phép tổ chức một cuộc phá khám nhằm mau chóng thoát khỏi nhà tù, tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy cho nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới cũng như nhân dân cả nước được biết và trở về với Đảng, với nhân dân tiếp tục chiến đấu đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Bên cạnh đó, Đảng ủy nhà tù đã thành lập một đội xung kích 60 người, gồm những đồng chí khỏe mạnh, có kinh nghiệm chiến đấu làm nòng cốt cho cuộc nổi dậy vào ngày 02 tháng 12 năm 1956.

2. Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 02/12/1956

Buổi chiều chủ nhật 02/12/1956, vào lúc 17 giờ 50 phút, bọn địch gõ kẻng để đổi phiên gác và các tù nhân chuẩn bị vào trại. Đây là lúc sơ hở vì 18 giờ mới đổi phiên, nên bọn lính bảo an nhận ca gác thường lơ là khi hết giờ canh gác. Tất cả các đồng chí của ta được phân công đã sẵn sàng đợi lệnh; đồng chí Nguyễn Văn Chuộng (Sáu Chuộng), một đảng viên được Đảng ủy cử làm tổng đại diện Nhà lao Tân Hiệp cởi áo trắng phất ra ám hiệu. Các mũi xung kích nhanh chóng tiến thẳng đến các mục tiêu đã được phân công. Đội xung kích lập tức triển khai khống chế Giám đốc trại giam, bọn giám thị, cắt đứt điện thoại, xung phong cướp kho súng và mở cổng. Khi cánh cổng nhà giam bị phá, thì đoàn người từ các trại chạy ào ra cổng đông như nước vỡ bờ, xô ngã cánh cửa nhà lao, vượt qua sân bóng, suối Đồng Tràm, chạy qua các ngã đường tỏa về các hướng nhằm tránh tai mắt của kẻ thù.

Trong 15 phút đầu, lực lượng xung kích hoàn toàn làm chủ tình hình. Bọn lính địch trong nhà tù bị ta tấn công bất ngờ, vô cùng hoảng hốt, bọn chúng chỉ lo bảo tồn tính mạng nên chưa có hành động chống trả. Hơn 15 phút sau, bọn lính địch mới kịp trấn tĩnh, vội vàng nổ súng truy đuổi. Địch ở một số lô cốt đã dùng súng trung liên bắn xối xả ra hướng cổng trại và các chiến sỹ bị địch bắt tù đày đang chạy khiến nhiều người bị thương và 22 người hy sinh; trong đó có một số chiến sĩ như: Phan Văn Rô, nhà báo Dương Tử Giang.

Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp diễn ra trong vòng 40 phút. Nhiều cánh tù vượt ngục khác tìm cách thoát đi nhiều hướng tránh sự truy đuổi của địch nhiều ngày sau đó. Tổng cộng đã có 462 tù nhân trong tổng số 1.872 người bị giam giữ tại Nhà lao Tân Hiệp đã chạy thoát, ta lấy được 41 khẩu súng các loại, trong đó có 02 khẩu trung liên.

Quá trình tìm về với cách mạng, các chiến sĩ chúng ta gặp vô vàn khó khăn, phần vì sức khỏe yếu, thiếu thốn lương thực, thuốc men, phải ăn rau dại, trái rừng, thậm chí phải nhịn đói nhiều ngày liền, lại bị kẻ thù truy đuổi; nhiều đồng chí bị thất lạc. Nhiều đồng chí vì quá kiệt sức, khi mới đến bực sông đã ngã bổ xuống dòng nước và bị nước cuốn trôi. Hàng chục đồng chí phải vĩnh viễn nằm lại trong rừng Chiến khu Đ vì kiệt sức không thể dìu nhau đi tiếp được nữa; có đồng chí phải nằm lại dọc đường và chỉ một lời nhắn gửi: “… Tôi phải ở lại đây vì không còn sức đi nữa rồi! Khi nào khỏe lại, tôi sẽ tiếp tục đi. Nếu có hy sinh thì anh em báo lại với Đảng là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”; nhiều đồng chí bị địch bắt, trước lúc bị địch hành quyết vẫn hô vang khẩu hiệu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”. Nhưng những khó khăn, nguy hiểm đó không làm lung lay được ý chí của những người cách mạng; họ vẫn bền gan, vững chí tìm đường quay về với tổ chức cách mạng, tiếp tục cùng nhân dân chiến đấu chống kẻ thù.

Trong gian nan mới thấy tấm lòng của đồng bào với cách mạng, nhiều chiến sĩ ta đã được sự thương yêu, che chở, đùm bọc của đồng bào, có lúc đồng bào sẵn sàng vét hết các khạp gạo, hũ gạo, muối cung cấp cho anh chị em, thậm chí số lúa mới gặt về đang đập ngoài sân, bà con cũng gom đưa hết cho cách mạng. Bên cạnh đó, Đoàn chiến sĩ cách mạng vượt nhà lao còn được sự giúp đỡ của các chiến sĩ cách mạng, khi hay tin anh em đồng chí ta ở Nhà lao Tân Hiệp đã phá khám vượt ngục trở về với Đảng, với cách mạng, Tỉnh ủy Biên Hòa, Huyện ủy Vĩnh Cửu, Huyện ủy Tân Uyên, Thị ủy Biên Hòa đã cử cán bộ đi tìm, đón anh em ở khắp nơi trong tình hình địch đang bố ráp rất căng thẳng. Huyện ủy Tân Uyên đã tổ chức 09 chiếc xuồng trực sẵn ở 03 bến dọc bờ sông Đồng Nai để đón anh em trở về. Đồng thời, xây dựng mười gia đình cơ sở cách mạng ở Tân Uyên chuẩn bị gần 400 lít gạo để giúp đỡ đoàn vượt ngục. Trên đường đi tìm đón anh em, đồng chí ta trở về, đồng chí Đấu - Thường vụ Huyện ủy Tân Uyên và đồng chí Sáu Quả, Bí thư xã Thường Lang bị địch phục kích bắn hy sinh. Các đồng chí Tám Thạch (cơ quan Tuyên Huấn Tỉnh ủy Biên Hòa), đồng chí Văn Công Văn, Bí thư Liên xã Nam Tân Uyên và các đồng chí Tư Khiêm, Năm Lửa đều bị địch bắn bị thương.

Sau cuộc vượt ngục, một số đồng chí được tổ chức cách mạng của ta đưa về quê tiếp tục hoạt động cách mạng; một số đồng chí được tổ chức nơi giúp đỡ trốn truy sát của kẻ thù giữ lại gây dựng cơ sở cách mạng của địa phương; một số đồng chí đến rừng Sác (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai hiện nay) đã tuyển thêm một số thanh niên địa phương, thành lập ra Đại đội 12, lấy danh xưng là “Lực lượng Bình Xuyên ly khai” về lại Chiến khu Đ tiếp tục hoạt động.

Sau sự kiện vượt ngục tập thể, số anh chị em ở lại trong tù phải hứng chịu biết bao khổ sở trước sự trả thù dã man của bọn địch. Ngay sau chiều ngày 02/12/1956, các trại D, E, G và trại phụ nữ bị địch cấm cố để khảo tra. Hàng tuần liền, bọn địch cấm cố anh chị em trong các phòng giam không cho ra ngoài, không cho tắm rửa, không cho thân nhân vào thăm nuôi. Đến bữa ăn, chúng không phát chén đũa như lúc trước, mà để cho anh chị em phải dùng tay bốc lấy mà ăn ngay tại phòng giam. Bầu không khí căng thẳng ngột ngạt bao trùm trong trại giam Tân Hiệp suốt cả tuần lễ sau đó. Được sự lãnh đạo của các đồng chí đảng viên trung kiên còn lại trong nhà tù, anh chị em bị giam vẫn giữ được tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau và hành động theo hướng chỉ đạo thống nhất. Từ đó, hầu hết các đồng chí ta còn lại ở các trại D, E, G đều giữ được phẩm chất, khí tiết và từng bước đấu tranh làm thất bại âm mưu khủng bố của bọn địch trong nhà tù.

III. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ BÀI HỌC KINH NGIỆM

1. Nguyên nhân thắng lợi

1.1. Có Sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của tổ chức Đảng trong Nhà lao Tân Hiệp

Phần lớn những người bị địch bắt giam trong nhà tù Tân Hiệp là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cán bộ tham gia kháng chiến, từ nhiều trại giam của Mỹ Ngụy ở khắp miền Nam được chúng chuyển đến đây để phân loại và bị đày đi nơi khác. Dù các đồng chí quen biết nhau qua đồng hương, cùng đơn vị cũ,… nhưng cũng không thể nào tập hợp với quy mô lớn được. Vì muốn tập hợp để đấu tranh phải có một tổ chức lãnh đạo thống nhất. Đó là tổ chức đảng trong nhà tù. Đảng ủy Nhà lao Tân Hiệp là hạt nhân nòng cốt trong lãnh đạo và tổ chức cuộc nổi dậy phá khám ngày 02/12/1956. Từ đấu tranh tư tưởng trong nội bộ để đi đến thống nhất chủ trương và có kế hoạch hành động, là một quá trình không đơn giản. Mặt khác, nguyên tắc bí mật của Đảng là một yếu tố vô cùng quan trọng, đã làm cho địch bất ngờ ở trong thế hoàn toàn bị động, và cuộc nổi dậy vượt ngục của gần 500 tù nhân đã giành được thắng lợi khá trọn vẹn.

1.2. Tinh thần và ý chí chiến đấu kiên cường của đảng viên và cán bộ cách mạng trong nhà tù

Những đảng viên và cán bộ cách mạng bị địch bắt giam giữ ở Nhà lao Tân Hiệp là từ nhiều địa phương được chúng đưa về đây, cương vị công tác, chiến đấu và hoàn cảnh bị bắt có khác nhau, trình độ cũng khác nhau. Nhưng tất cả đều có một điểm thống nhất, đó là lý tưởng cách mạng và mục tiêu giải phóng dân tộc, từ đó, đã giúp các đồng chí vượt mọi khó khăn trở lực trong nhà tù để giữ vững phẩm chất và ý chí chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản. Từ các đảng viên được phân công hoạt động công khai trong nhà tù như làm đại diện cho tù nhân, trưởng ban hỏa thực… đến các chiến sĩ trong đội xung kích, tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ do Đảng ủy phân công, không từ chối một nhiệm vụ nào khi được tổ chức phân công và biết suy nghĩ, sáng tạo để khi hành động là có kết quả.

1.3. Sự động viên và đóng góp sức của các cấp Đảng bộ và lãnh đạo ở bên ngoài nhà tù

Sự chỉ đạo của Xứ ủy, của Ban Binh vận Xứ ủy và các nguồn thông tin từ bên ngoài đưa vào, đã giúp cho Đảng ủy Nhà lao Tân Hiệp có cơ sở nghiên cứu, phân tích và đánh giá tình hình một cách có cơ sở khoa học. Từ đó, Đảng ủy đã lãnh đạo thắng lợi các cuộc đấu tranh trong nhà tù, giúp các đồng chí ta giữ vững khí tiết cách mạng, nâng tinh thần đấu tranh với địch trong nhà tù mà đỉnh cao là chủ trương và tổ chức thực hiện thành công cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp. Ngay khi cuộc nổi dậy phá khám nổ ra, Tỉnh ủy Biên Hòa đã kịp thời chỉ đạo cho các Huyện ủy Tân Uyên, Vĩnh Cửu, Long Thành… các chi bộ xã triển khai cử cán bộ và giao liên đi tiếp đón, bí mật đưa anh em trở về căn cứ. Không có sự giúp đỡ của các Đảng bộ địa phương, chắc chắn rằng đường trở về của các chiến sĩ vượt ngục sẽ gặp khó khăn nhiều hơn và sẽ còn tổn thất lớn hơn.

1.4. Sự giúp đỡ và tiếp tế của nhân dân và các cơ sở cách mạng địa phương

Trong cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp, từ khâu chuẩn bị kế hoạch đến lúc trên đường trở về căn cứ, những chiến sĩ cách mạng đều có sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của nhân dân và các cơ sở cách mạng. Các cơ sở cách mạng ở Biên Hòa là đường dây liên lạc giúp Đảng ủy nhà tù nối với Ban Binh vận Xứ ủy và các tổ chức đảng bên ngoài. Trong quá trình trở về với cách mạng, đoàn đã được nhân dân thương yêu, bao bọc che chở, sự giúp đỡ cho các đoàn đi có khi là thông tin có địch truy kích, hoặc chỉ là lon gạo nấu cháo đỡ lòng cho anh em trên đường đi, vẫn thể hiện được tấm lòng quý báu. Tấm lòng của người dân là lòng tin vào cách mạng, là nguồn động viên, cổ vũ các đồng chí ta vượt qua mọi trở ngại để trở về với cách mạng.

2. Những bài học kinh nghiệm rút ra trong cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp

Một là, phải có quyết tâm lớn vượt qua khó khăn, nguy hiểm đi đôi với tinh thần tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài.

Hai là, trong quá trình lãnh đạo cuộc nổi dậy, tổ chức Đảng phải kiên quyết và linh hoạt trong chủ trương chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Ba là, phải nắm đúng thời cơ, thời điểm; tiến hành nổi dậy phải kiên quyết, nhanh chóng, táo bạo và bất ngờ.

IV. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CUỘC NỔI DẬY PHÁ KHÁM TÂN HIỆP

- Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 02/12/1956 là đỉnh cao của quá trình đấu tranh bất khuất của những người cộng sản và đồng bào Việt Nam yêu nước, thể hiện rõ chân lý: “Kẻ địch càng khủng bố, phát xít, tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân càng cao”. Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ở Biên Hòa đã vạch trần bản chất xâm lược tay sai của chế độ Mỹ - Diệm ở miền Nam trước dư luận trong nước và quốc tế.

- Cuộc vượt ngục Tân Hiệp là cuộc giải thoát kỳ diệu của những người tù Cộng sản kiên trung bất khuất, mưu trí. Với tay không tấc sắt, các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù đã lập kế hoạch phản công từ trong lòng địch, nổi dậy phá tan xiềng xích tìm về tự do. Đó là thứ “Vàng trong lửa”, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của nhân cách Việt Nam và của khí tiết Cộng sản. Đây là cuộc nổi dậy ngoạn mục của lực lượng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày, cuộc vượt ngục tập thể lớn nhất, gan dạ nhất chưa từng có trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.

- Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp còn là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những ai còn mơ hồ về bản chất của chế độ Mỹ - Diệm, có sức cổ vũ rất lớn đối với toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước và phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Thắng lợi này, gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường của người cộng sản và đồng bào yêu nước trong nhà tù của đế quốc, thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng ủy trong nhà tù với Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa.

- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một cuộc nổi dậy phá nhà lao được tổ chức quy mô, thắng lợi, tịch thu được vũ khí của địch. Tuy chưa giải thoát được hết các các chiến sỹ cách mạng bị giam tại nhà lao nhưng Cuộc phá khám đã giải thoát được 462 cán bộ, đảng viên trở về hoạt động cách mạng, thu được của địch 41 súng các loại - là nguồn bổ sung người, vũ khí quan trọng, vô cùng quý báu đối với lực lượng cách mạng miền Nam nói chung và phong trào cách mạng ở miền Đông Nam bộ nói riêng trong những ngày đầu chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa vũ trang tiến lên “Đồng Khởi” ở miền Nam. Sự kiện như một chất xúc tác đẩy phong trào cách mạng miền Nam phát triển nhanh hơn, cao hơn, tự thân nó thể hiện sự thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường của những người cộng sản và đồng bào yêu nước.

- Di tích Nhà lao Tân Hiệp như một chứng tích điển hình về tội ác của hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng chính quyền tay sai đối với dân tộc Việt Nam chúng ta. Nơi đây là một “chiến trường không ranh giới” mà người chiến sĩ cách mạng không vũ khí, không một tấc sắt trong tay, hàng ngày, hàng giờ phải đương đầu đối phó, chiến đấu vô cùng ác liệt dưới bàn tay tàn bạo của kẻ thù; với biết bao tấm gương anh dũng, bất khuất kiên cường, giữ vững khí tiết, giữ trọn niềm tin với Đảng, trung thành với Tổ quốc cho dù địch tra tấn, giam cầm đến chết.

**********

Lịch sử Việt Nam đã sang trang mới, cả nước đồng lòng tiến lên xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và vững vàng hơn trong tiến trình hội nhập quốc tế, song chứng tích còn lại ở nơi này sẽ mãi mãi là bài học quí giá giúp cho thế hệ muôn đời sau hiểu hơn giá trị của độc lập tự do để có cuộc sống yên bình ngày hôm nay. Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp mãi mãi là niềm tự hào của những thế hệ chiến sĩ cách mạng đã qua và các thế hệ trẻ của Biên Hoà - Đồng Nai hôm nay và mai sau, góp phần động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, chung tay xây dựng tỉnh Đồng Nai giàu đẹp, văn minh.

Với những chiến công oanh liệt, hào hùng, vẻ vang ấy, Di tích nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 2754/QĐ/BT ngày 15 tháng 10 năm 1994.

                                      BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY 

THPT Nguyễn Hữu Cảnh
Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, 07/12/2016 - 07:28:01


TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN HỮU CẢNH
Địa chỉ: Khu phố 1 - Long Bình Tân, Biên Hòa - Đồng Nai 81000
Điện thoại: (0251) 3.834.466
    213,857
    195
© 2015 Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh.
Thiết kế & phát triển bởi Trung tâm Thông tin Tư liệu Trường Đại học Lạc Hồng .