Tin tức - Sự kiện

Thông điệp Hưởng ứng ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

 BAN AN TOÀN GIAO THÔNG

 SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THÔNG ĐIỆP

Hưởng ứng ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong

do tai nạn giao thông

   "Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại"

                                Kính thưa:

                                             - Cán bộ, giáo viên, nhân viên !

                                             - Các em học sinh (sinh viên) thân mến !

Mỗi ngày trôi qua trên đất nước Việt Nam, tai nạn giao thông giao thông lại cướp đi sinh mạng của 23 người và làm cho gần 45 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, mang đến sự đớn đau tột cùng cho hàng ngàn gia đình. Thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được. Di chứng thương đau của tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người thân, bạn bè những người bị nạn.

Tỉnh Đồng Nai, do vị trí địa lý và đặc thù  là cửa ngõ vào thành phố Hồ Chí Minh, có mạng lưới giao thông đa dạng với lưu lượng phương tiện hoạt động cao nên tình hình trật tự ATGT luôn diễn biến phức tạp, hàng năm số người chết do tai nạn giao thông còn ở mức cao. Năm 2016 trên địa bàn tỉnh xảy ra 423 vụ, có 329 người chết và 266 người bị thương do tai nạn giao thông. 10 tháng đầu năm nay xảy ra 294 vụ, làm chết 227 người, bị thương 196 người. Con số này tuy giảm so với cùng kỳ trước đó nhưng bình quân 1 ngày trên các tuyến giao thông của tỉnh còn gần 1 người chết và gần 1 người bị thương do tai nạn giao thông.

Độ tuổi có nhiều người tử vong nhất là từ 27 đến 54 tuổi chiếm tỷ lệ 46%, tiếp đến là độ tuổi từ 18 đến 26 tuổi chiếm 28,8%, số người trên 54 tuổi chiếm 13,1% và số người dưới 18 tuổi chiếm 11,1%. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho xã hội và mỗi gia đình, vì phần lớn những người chết do tai nạn giao thông đang ở độ tuổi lao động chính, chiếm đa số trong đội ngũ người lao động làm ra của cải vật chất cho xã hội, là trụ cột của gia đình.

Trong giới trẻ, 79 người độ tuổi từ 26 trở xuống đã qua đời, chiếm 40%. Trong học sinh tỉnh nhà 5 năm học trở lại đây (từ 2011 đến 2016) 32 em qua đời, 52 em bị chấn thương sọ não và 439 em bị thương tật khác do tai nạn giao thông. Cùng thời gian trên cũng đã có 6 giáo viên, cán bộ công nhân viên ngành giáo dục tỉnh nhà qua đời, 11 thầy, cô bị chấn thương sọ não và 111 người bị thương tật khác. Năm học 2016 - 2017 có 13 em học sinh qua đời, 09 em bị chấn thương sọ não và 149 em bị thương tật khác do tai nạn giao thông. Đây là những tổn thất không gì bù đắp, là nỗi đau khôn xiết của chúng ta, nhất là nạn nhân của tai nạn lại là những người thân trong một gia đình. Xin đơn cử 3 vụ sau đây:

- Vụ thứ nhất: Vào ngày 26/11/2016 trên Quốc lộ 1 thuộc khu phố 8, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, chị Trần Thị Điêu, sinh năm 1982, ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu điều khiển chở phía sau lương con trai là Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 2015, đã bị xe ô tô tải lưu thông phía sau đụng vào làm chị Điêu tử vong tại chỗ, cháu Phúc bị thương.

- Vụ thứ hai: Đoàn gồm 9 người là người thân trong gia đình vào sáng mùng 5 Tết Đinh Dậu (01/02/2017), thuê một xe ô tô 16 chỗ du lịch tắm biển Long Hải, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu. Khi xe vừa lăn bánh khoảng 500m gặp nơi giao cắt đường sắt có biển cảnh báo, thay vì dừng lại quan sát và nhường đường cho tàu hỏa đi trước nhưng lái xe cố tình vượt qua và tai nạn đã xảy ra. Chiếc xe ô tô bị tàu hỏa đụng và hất văng khỏi đường ray hàng chục mét. Hậu quả, làm chết tại chỗ 2 người là bác cháu ruột (anh Phạm Hồng Anh, sinh năm 1974 và cháu là Phạm Hồng Tiến, sinh năm 2005), 07 người bị thương, trong số người bị thương có cha đẻ và em ruột của cháu Tiến, riêng cha cháu anh Phạm Hồng Dũng bị liệt hai chân phải di chuyển trên xe lăn. 

- Vụ thứ ba: Ngày 28/02/2017 trên đường Tỉnh 767, trước cổng Trường tiểu học Sông Mây thuộc ấp 3, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Tại Quang Hạnh, sinh năm 1992, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom không có giấy phép lái xe, điều khiển xe ô tô tải ben không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Đến địa điểm trên xe của Hạnh đã tông vào 4 xe máy của các phụ huynh đang đón con đi học về. Hậu quả, làm chết 02 người, bị thương 04 người. Trong số nạn nhân của vụ tai nạn, có thai phụ Nguyễn Thị Thùy Trang (36 tuổi, mang thai 7 tháng rưỡi) và con gái Hà Hoài Bảo Ngọc (9 tuổi) tử vong tại chỗ. Một gia đình một lúc mất 3 người thân, nỗi đau này không có gì bù đắp nổi.

Dẫn ra thực trạng tai nạn giao thông kể trên để thấy rằng nếu mỗi người không tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông thì hiểm họa tai nạn giao thông sẽ ập đến mọi lúc, mọi nơi. Đau lòng hơn là phía sau cái chết của những nạn nhân, trong ánh nhìn tuyệt vọng của những nạn nhân không còn khả năng lao động là những em nhỏ mất đi cơ hội đến trường, những bậc cha, mẹ già không còn nơi nương tựa. Phía sau những vụ tai nạn là nguy cơ đói nghèo của hàng chục ngàn gia đình, là sự xói mòn những thành quả phát triển kinh tế mà cả dân tộc đang gắng sức thực hiện, là sự sợ hãi lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, làm tổn thương nghiêm trọng hình ảnh một đất nước Việt Nam yên bình, thân thiện trong mắt bạn bè, đối tác. Đây là điều không thể chấp nhận được với một dân tộc đang sống trong hòa bình.

Vì vậy, từng người Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng cần phải nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của tai họa này đối với sự phát triển của giống nòi và tiến trình vươn lên của dân tộc. Mỗi chúng ta phải thực sự dũng cảm và chân thành để đặt câu hỏi và trả lời cho được: Đâu là lỗi và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng và cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông ?

Bằng nhiều hành động mạnh mẽ, thông qua các chính sách quốc gia và những cam kết xã hội, chúng ta đã và đang chung tay hành động để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, qua đó làm giảm thiểu số người chết và bị thương ở Việt Nam và Đồng Nai nói riêng. Nhưng chúng ta vẫn có thể và cần phải làm nhiều hơn nữa với quyết tâm sắt đá và khát vọng khôn nguôi về một xã hội yên bình, giảm thiểu đến mức thấp nhất nỗi đau do tai nạn giao thông.

Thay mặt nhà trường và toàn thể học sinh tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình, người thân các nạn nhân đã tử vong do tai nạn giao thông, gửi lời thăm hỏi đến các nạn nhân bị thương tích do tai nạn giao thông hiện đang điều trị tại các bệnh viện hoặc đang hòa nhập với cộng đồng. Trong đó có gia đình, người thân và các em học sinh trong tỉnh.

Hoạt động tưởng niệm các nạn nhân mà chúng ta cùng thế giới tổ chức là dịp để chúng ta tưởng nhớ và thương cảm với những người không may qua đời khi tham gia giao thông; cùng chia sẻ để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với người thân của họ. Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân trọng không gì so sánh được của cuộc sống và sự cần thiết phải chấp hành luật giao thông, nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Mỗi gia đình, nhà trường cần giáo dục con em mình từ khi còn bé về ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn, thân thiện cho bản thân và cho cộng đồng.  

Hãy vì niềm thương cảm những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống, "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại"!

Nhân dịp này, tôi kêu gọi toàn thể các bạn học sinh, các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng các bậc phụ huynh vì sự an toàn của chính mình và cộng đồng hãy tự giác, gương mẫu tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, thực hiện nếp ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.

Để tưởng niệm đến các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, chúng ta cùng dành một phút mặc niệm.

Một phút mặc niệm bắt đầu !!!

Xin cảm ơn quý thầy - cô, quý vị phụ huynh, các bạn học sinh !

                                                                                                                                          Đồng Nai, tháng 11/2017

Sau đây là một số hình ảnh:

THPT Nguyễn Hữu Cảnh
Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, 13/11/2017 - 09:45:17


TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN HỮU CẢNH
Địa chỉ: Khu phố 1 - Long Bình Tân, Biên Hòa - Đồng Nai 81000
Điện thoại: (0251) 3.834.466
    213,768
    192
© 2015 Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh.
Thiết kế & phát triển bởi Trung tâm Thông tin Tư liệu Trường Đại học Lạc Hồng .